Cá tính và phong cách trong kiến trúc - nội thất nhà ở Việt Nam
Kiến trúc – nội thất nhà ở Việt Nam đương đại đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới là cần thiết xong đôi khi nó làm ta lạc hướng. Điểm tựa “kiến trúc xanh” hay “công trình xanh” mới chỉ giúp kiến trúc Việt kiện toàn phần “xác”. Phần hồn của phong cách kiến trúc nội thất Việt nằm trong tay chính chúng ta, từ chủ đầu tư, nhà thiết kế, nhà lý luận phê bình thông qua các trải nghiệm thực tế - những nghiên cứu và thiết kế đi từ cái tôi đậm chất con người Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Không thể xây dựng một phong cách nội thất Việt Nam trong một cái vỏ kiến trúc vay mượn, kiến trúc và nội thất luôn có mối quan hệ hữu cơ tuy hai mà lại là một.
Với các điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội rất đặc trưng, kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc nhà ở nói riêng đang kể câu chuyện của mình. Tuy nhiên, với một thái độ không dễ dãi, ta nhận thấy câu chuyện mà kiến trúc – nội thất nhà ở Việt Nam đã và đang tiếp diễn có phần rời rạc, đứt gãy và đôi khi lạc lối.
Có thể nói trong lĩnh vực nhà ở, chúng ta đang trong giai đoạn tiếp thu văn hóa, văn minh thế giới, điều này là dễ hiểu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập cả kinh tế lẫn thông tin. Tuy nhiên việc bê nguyên các hình mẫu nhà ở tại các nước phát triển vào Việt Nam với số lượng và tốc độ không nhỏ đã mang lại cảm giác đáng quan ngại cho những người làm chuyên môn. Những mô hình “lâu đài” với kiến trúc rườm rà xa hoa xuất hiện ở hầu hết các địa phương với nội thất lấp đầy bằng gỗ quý, trạm trổ cầu kỳ - dát vàng từ trong ra ngoài, sự xuất hiện của các loại nhà ở này chưa hề có biểu hiện dừng lại. Một số kiến trúc nhà ở hiện đại trang bị nội thất nhập khẩu rất đắt tiền vẫn đang được bộ phận lớn người ở có điều kiện kinh tế coi là hình mẫu hướng tới.
Như đã nêu trên, trong thời kỳ “quá độ” này, việc tiếp thụ tinh hoa kiến trúc – nội thất của thế giới là cần thiết, nó giúp chúng ta có được sức sống tươi mới cho cơ thể kiến trúc. Tuy nhiên nếu để buông thả theo nhu cầu của thị trường trong một thời gian dài, kiến trúc Việt có nguy cơ gánh chịu những hệ lụy không nhỏ.
Cá tính không gian ở
Nhà ở - nơi con người dành phần lớn thời gian của cuộc đời để tái sản xuất sức lao động, sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối, luôn làm người ta bộc lộ rõ và hết các tính cách của bản thân. Tính chất khác biệt, riêng có còn gọi là cá tính của không gian ở vì thế đã trở thành thuộc tính của loại không gian này.
Người Việt ngày càng đầu tư nhiều hơn cho ngôi nhà của mình. Không chỉ quan tâm tới cái vỏ kiến trúc, ngày nay người ta luôn chăm lo tới chất lượng ở thể hiện qua nội thất ngôi nhà. Tâm lý thích khoe hay cái tôi của người Việt thực sự mạnh mẽ ngoài những tác động tiêu cực thì nó luôn là động lực góp phần quan trọng trong việc hình thành nên cá tính của không gian nhà ở.
Bàn về cá tính hay phong cách của ngôi nhà chúng ta phân tích các cấp độ thể hiện cá tính khác nhau. Cá tính, cái tôi, cái riêng của không gian sẽ xuất hiện càng rõ ràng hơn trong quá trình thiết kế từ lúc đặt đầu bài, xây dựng ý tưởng cho tới khi hoàn thiện lựa chọn các thiết bị, vật liệu, v.v… Việc “lên gân” hay các “chân dung” vẽ trước về sự độc đáo của ngôi nhà không phải cách tốt nhất để đạt kết quả, thậm chí nhiều khi nó làm lệch lạc tính trung thực và bản chất của một không gian ở. Chủ nhà và người thiết kế là hai nhân tố tạo ra và hoàn thiện cá tính cho không gian, hai đối tượng này càng có sự đồng cảm thì thành công càng lớn.
Theo quan niệm hình, lý, khí của triết học phương đông các cấp độ tạo nên cá tính cho một không gian ở bao gồm: Vỏ kiến trúc, bố trí nội thất và cuối cùng là sự xuất hiện của con người trong không gian cùng các hoạt động của họ. Nói cách khác, các không gian nhà ở được “định dạng” bởi hai yếu tố vật chất và tinh thần.
Thực tế cho thấy một thiết kế nội thất thành công thường tiếp cận, nắm bắt được trước hết là cái “khí” của không gian, nó bao gồm các giá trị tinh thần gắn bó chặt chẽ tới người sử dụng. Các tâm trạng, cảm xúc và tương tác giữa con người với con người hay giữa con người với không gian đó luôn được định hướng đầu tiên và dẫn dắt cả quá trình thiết kế.
“Kiến trúc phát triển từ trong ra ngoài hài hòa với môi trường xung quanh”, có thể thấy sự đồng cảm trong cách tiếp cận thiết kế của Frank Lloyd Wright, xuất phát từ con người tới nội thất rồi mới tới cái “vỏ” kiến trúc.
Tất cả những sở thích cá nhân, thói quen sinh hoạt cho tới gia phong của một gia đình quyết định cái không khí trong nhà mà chỉ ngôi nhà đó mới có. Chính điều đó đòi hỏi việc tổ chức nội thất tương thích. Cái “khí” là cấp độ cao nhất nói lên bản chất của cá tính không gian vì trên hết nó đề cao vai trò chủ thể của con người.
Những tương tác, hoạt động của từng cá nhân và cả gia đình trong ngôi nhà với những chu kỳ, nhịp điệu và sự lặp lại đã hình thành nên cái khí, cái hồn của không gian. Nắm bắt vấn đề cốt lõi này những nhà công nghệ cũng đang tạo ra cái gọi là “nhà thông minh” khi mà trí tuệ nhân tạo ghi nhớ thói quen người sử dụng. Còn những người thiết kế giúp khách hàng của mình tạo ra dấu ấn cá nhân trong không gian khi đã cảm được nhịp sống của gia đình.
Vai trò của nội thất trong tạo lập cá tính
Trong mối quan hệ con người - nội thất - kiến trúc nếu con người được xem là trung tâm, là yếu tố tinh thần thì nội thất là yếu tố vật chất kế cận. Với các thành phần mà con người luôn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp hàng ngày như bàn ghế, giường, tủ,.v.v… cho tới các bề mặt trần, tường, sàn thì nội thất là yếu tố trung gian kết nối con người với công trình. Nội thất là khâu hoàn thiện một ngôi nhà thành một tổ ấm. Với những yếu tố cấu thành khá linh hoạt và tùy biến thì nội thất là yếu tố vật chất góp phần trước hết tạo nên cá tính cho không gian.
Hình thức phụ thuộc công năng, kiến trúc vị nhân sinh luôn phát triển từ con người, các nhu cầu được phản ánh từ người sử dụng tới nội thất rồi tới kiến trúc. Cách tiếp cận con người - nội thất - kiến trúc không phải là cách duy nhất và cứng nhắc, nhưng nó có tính định hướng, khá phổ biến và đã mang lại nhiều thành công trong các thiết kế trên thực tế.
Tính cách của gia chủ biểu hiện qua “phong cách” sinh hoạt của gia đình được người thiết kế cảm và thấu hiểu, chính nó góp phần tạo nên những dấu ấn trong không gian một cách tự nhiên nhất. Những dấu ấn này có thể biểu hiện mạnh mẽ trong hình thức, chất liệu, màu sắc nhưng cũng có thể nhuần nhuyễn, mềm mại, vô hình.
Tóm lại, cá tính của không gian nhà ở là yếu tố tự thân được tạo ra trong quá trình thiết kế. Cá tính này phản ánh trước hết tính cách của gia chủ nhưng cũng mang nhiều dấu ấn của kiến trúc sư (người thiết kế). Cả người ở và KTS đều không thích một sắc thái nhợt nhạt trong tác phẩm của mình, do đó cá tính của không gian nhà ở luôn là mục tiêu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh (hình thành phong cách) của mỗi KTS và cái tôi của mỗi gia chủ. Cá tính luôn xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình thiết kế nhưng những tác giả có nghề luôn biết phát hiện và nhấn nhá làm nổi bật những cá tính tích cực đáng phô bày trong một ngôi nhà. Càng nhiều công trình có cá tính riêng ta càng có cơ hội chắt lọc hình thành bản sắc để tạo nên một phong cách Việt, thứ vẫn đang vắng bóng hoặc rất mờ nhạt trong kiến trúc, nội thất nhà ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: PGS. TS. KTS. VŨ HỒNG CƯƠNG
Bài viết được đăng trên Tạp chí Home Color Home
https://gominhlong.com/gioi-thieu-an-pham-home-color-home/
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm